• Tháng mười 27, 2024

Cha mẹ đừng vội nổi giận khi con nói bậy, áp dụng 3 cách này còn hiệu quả hơn bất kỳ câu mắng mỏ nào

Cha mẹ đừng vội nổi giận khi con nói bậy, áp dụng 3 cách này còn hiệu quả hơn bất kỳ câu mắng mỏ nào

Từ khoảng 4-5 tuổi trở đi, khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ của trẻ đã có sự nhảy vọt đáng kể, trẻ có thể giao tiếp với cha mẹ một cách logic và rõ ràng. Cha mẹ thường ngạc nhiên trước những câu chữ ngây ngô nhưng cũng cực thông minh của trẻ.

Tuy nhiên, sau khi khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ phát triển nhanh chóng, nhiều trẻ lại mắc phải vấn đề “nói bậy”. Cha mẹ không hiểu trẻ học được những từ ngữ thiếu chuẩn mực đó từ đâu và cảm thấy rất lo lắng về tật xấu này của trẻ.

Một bà mẹ trẻ tên Lê Dao (Trung Quốc) dẫn con trai 5 tuổi Đô Đô đến công viên chơi. Nhìn một đám trẻ đang chơi thổi bong bóng với nhau, Đô Đô cũng háo hức muốn thử. Sau khi nhận được sự đồng ý từ mẹ, cậu bé đã gia nhập vào đám trẻ và cả đám chơi với nhau rất vui vẻ.

Nhưng sau một lúc, dung dịch tạo bong bóng hết. Những đứa trẻ khác thấy không thể thổi được bong bóng nữa thì chán nản bỏ đi. Đúng lúc, Lê Dao chuẩn bị đưa con về, con trai cô bất ngờ chửi một câu.

Giọng cậu bé không lớn nhưng cũng thu hút sự chú ý của các phụ huynh khác. Điều này khiến Lê Dao cảm thấy rất ngượng ngùng, cô vội vàng ngăn con lại. Tuy nhiên, do không kiềm chế được cảm xúc nên con trai cô vẫn tiếp tục thốt thêm nhiều câu tục tĩu khác.

Cha mẹ đừng vội nổi giận khi con nói bậy, áp dụng 3 cách này còn hiệu quả hơn bất kỳ câu mắng mỏ nào- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhìn cảnh con ứng xử thiếu lễ độ như vậy, Lê Dao cũng không kìm được cơn giận. Cô lập tức đánh mạnh vào người con. Cậu bé cảm thấy rất uất ức, không hiểu mình đã sai ở đâu.

Trên đường về nhà, Lê Dao không ngừng nhắc con không được nói tục nữa, nhưng con trai cô chỉ cúi gằm mặt bước đi mà không nói một lời nào.

Đi được một đoạn, đứa trẻ ngẩng mặt lên hỏi: “Vậy tại sao bố lại được nói như thế? Lúc chơi game bố cũng toàn nói mấy câu như thế!”. Lê Dao sững người trước câu hỏi của con trai, nhất thời cô cũng không biết phải trả lời ra sao.

Vì sao trẻ lại lỡ miệng nói bậy?

1. Bắt chước hành vi của người lớn

Việc trẻ bắt chước hành vi của cha mẹ giống như một bản năng vậy, và “thấy gì học nấy” mô tả rất chính xác quá trình ảnh hưởng này. Khi cha mẹ không chú ý đến việc kiềm chế hành vi của bản thân thì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến lời nói và hành vi của con cái.

Trẻ nói tục rất có thể do ảnh hưởng xấu từ cha mẹ. Đôi khi, trẻ thích thú khi bắt chước mà không nhận ra đó là hành vi không đúng.

2. Nhạy cảm với những lời nói tục chửi bậy

Ở giai đoạn chưa phát triển hoàn chỉnh về nhận thức nhưng khả năng ngôn ngữ đã có, nhiều trẻ phát hiện ra rằng một số lời nói thiếu chuẩn mực có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của cha mẹ. Khi thấy cha mẹ có phản ứng mạnh, trẻ cảm thấy mong muốn được chú ý của mình được thỏa mãn.

Trẻ em trong giai đoạn nhạy cảm với nói tục chửi bậy coi việc này như một trò chơi tương tác với cha mẹ. Trẻ thấy nó thú vị nhưng không hiểu được ý nghĩa tiêu cực đằng sau nó.

3. Cách thức phát tiết cảm xúc không phù hợp

Khi trẻ bị hiểu lầm hoặc mong muốn của trẻ không được đáp ứng, trẻ sẽ tỏ ra không bằng lòng bằng cách chửi thề một cách bộc phát. Trẻ có thể cảm nhận được cảm xúc nhưng không thể giải tỏa và phát tiết một cách chính xác.

Vì vậy, nói tục đã trở thành một cách để trẻ giải tỏa cảm xúc. Trong quá trình này, đứa trẻ thể hiện sự phản kháng của mình bằng cách nói tục.

Có thể thấy, có rất nhiều yếu tố dẫn đến hành vi nói tục chửi bậy ở trẻ. Cha mẹ cần phải sáng suốt hơn về vấn đề này, nếu không rất dễ dẫn đến việc trẻ bị ảnh hưởng bởi hướng dẫn sai lầm của cha mẹ, và sự trừng phạt quá mức có thể làm tổn thương trẻ.

Tác giả Jeanne Elium cho rằng việc trẻ có khuyết điểm hay mắc sai lầm là điều rất bình thường. Nguyên nhân thực sự của vấn đề là do phương pháp giáo dục không đúng đắn của cha mẹ.

Cha mẹ đừng vội nổi giận khi con nói bậy, áp dụng 3 cách này còn hiệu quả hơn bất kỳ câu mắng mỏ nào- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Phản ứng thái quá của cha mẹ sẽ gây ra những tác động tiêu cực gì đến con cái?

1. Gây gánh nặng tâm lý quá mức cho trẻ

Sự khiển trách quá mức của cha mẹ sẽ khiến con cái chịu áp lực đạo đức, gánh nặng tâm lý nặng nề khiến trẻ không thể đối mặt một cách thoải mái.

Đặc biệt khi ý thức đạo đức của trẻ chưa được hình thành đúng đắn, những lời chỉ trích về mặt đạo đức của cha mẹ sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình là người “vô đạo đức”, điều này sẽ tạo ra quá nhiều mặc cảm trong lòng trẻ.

2. Ảnh hưởng đến biểu đạt xã hội của trẻ

Sự chỉ trích quá mức của cha mẹ khiến trẻ trở nên rụt rè trong cuộc sống xã hội và không còn dám thể hiện bản thân như trước. Trẻ tự đặt ra rào cản cho mình trong giao tiếp xã hội và không thể cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu khi giao tiếp.

Trẻ cũng có thể không thể ngẩng cao đầu trước mặt bạn bè cùng lứa vì sự chỉ trích của cha mẹ và ý thức về sự hiện diện xã hội của chúng bị suy yếu. Quan niệm xã hội trong thời kỳ này ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành quan niệm xã hội sau này của trẻ.

3. Ảnh hưởng đến việc tự đánh giá của trẻ

Những lời buộc tội của cha mẹ khiến đứa trẻ nghĩ rằng mình là một “đứa trẻ hư”, và hệ thống tự đánh giá của trẻ sụp đổ.

Các nhà tâm lý học cho rằng sự tự đánh giá của trẻ dựa trên sự đánh giá của môi trường bên ngoài. Vì vậy, sự phóng đại của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy tự ti, trẻ không thể nhìn nhận đúng về bản thân mình.

Khi trẻ có thói quen nói bậy, cha mẹ không nên đổ hết lỗi lầm lên trẻ. Việc suy nghĩ về phương pháp giáo dục của chính mình sẽ giúp cha mẹ tìm ra cách tiếp cận đúng đắn hơn để chuẩn hóa cách biểu đạt của con mình.

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ một cách phù hợp, giúp trẻ cải thiện thói quen một cách hiệu quả.

Cha mẹ đừng vội nổi giận khi con nói bậy, áp dụng 3 cách này còn hiệu quả hơn bất kỳ câu mắng mỏ nào- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cha mẹ xử lý thế nào với thói quen nói tục chửi bậy của con?

1. Tạo môi trường giao tiếp lành mạnh cho trẻ

Khi cha mẹ giao tiếp với nhau, cố gắng không nói tục, và khi giao tiếp với trẻ cũng không nên nói tục. Khi môi trường sống của trẻ không có sự dẫn dắt xấu của việc nói tục, sự quan tâm của trẻ đối với những lời nói tục tĩu sẽ dần giảm bớt.

Nếu không có đối tượng để mô phỏng, trẻ sẽ bắt đầu học cách biểu đạt mới sau một thời gian dài.

2. Xử lý hành vi nói tục của trẻ một cách phù hợp và bình tĩnh

Khi trẻ nói tục với cha mẹ mà cha mẹ không có phản ứng rõ ràng, mong muốn của trẻ muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ sẽ không thành công.

Theo thời gian, trẻ hiểu rằng việc chửi thề không thể thu hút được sự chú ý của cha mẹ và tự nhiên mất đi sự tò mò và hứng thú với việc chửi thề. Thái độ lạnh nhạt của cha mẹ sẽ hạn chế mong muốn nói tục của trẻ.

3. Dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc chính xác

Khi trẻ gặp rắc rối với những cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ tỏ ra tức giận. Lúc này, cha mẹ phải dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc đúng đắn.

Việc nắm vững các phương pháp giải tỏa cảm xúc phù hợp có thể giúp trẻ tránh sử dụng việc nói tục như một cách để phát tiết quá khích. Cách thể hiện cảm xúc đúng cách sẽ giúp trẻ bỏ được tật xấu nói tục.

Tiến sĩ Paul Bloom của Đại học Yale (Mỹ) từng cho rằng việc trẻ nói tục có thể chỉ là một cách học ngôn ngữ, không có liên quan đến vấn đề nhân phẩm hay đạo đức giảm sút.

Việc trẻ nói tục không phải là hành vi “không thể tha thứ” mà là cơ hội để cha mẹ giáo dục, hướng dẫn. Cha mẹ đừng vội phê phán trẻ một cách quá mức, vì chỉ trích không phải là phương pháp giáo dục phù hợp. Tìm ra nguyên nhân khiến trẻ nói tục mới có thể tìm ra cơ hội giải quyết.

Theo Baobao

Để lại phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *